Monday, December 7, 2009

TTCK ảm đạm: Đâu là tác nhân?

Tin đồn về chính sách tài chính - tiền tệ là một nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán trong tuần ảm đạm dù cổ phiếu được nhận định ở mức hấp dẫn cho dài hạn.

Chỉ số VN-Index đã có lúc bứt khỏi mốc 510 điểm, tuy nhiên ở phiên cuối tuần, VN-Index lại đứng tại 494,96 điểm.

Đây là hệ quả tất yếu khi thị trường chứng khoán Việt Nam được dẫn dắt bởi lực lượng nhà đầu tư cá nhân?

Tác nhân - nhà đầu tư cá nhân?

Điểm dễ nhận thấy trên thị trường chứng khoán trong tuần là tính thanh khoản lại tiếp tục thụt lùi. Khối lượng giao dịch theo phương thức báo giá bình quân trong mỗi phiên chỉ đạt 39,74 triệu cổ phiếu, tương đương 1.623 tỷ đồng, sụt giảm 21% về khối lượng và 22% về giá trị so với mức trung bình tuần trước.

Theo các chuyên gia, hầu hết nhà đầu tư cá nhân lựa chọn hình thức "lướt sóng", đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phiên giao dịch gần như đi ngang hôm cuối tuần thể hiện trạng thái thăm dò, dè dặt khi tham gia mua bán thời điểm này trên thị trường.

Đây là những biến động trong một tuần trên thị trường chứng khoán. Nhìn tổng thể, khi gặp khủng hoảng thì thị trường chứng khoán Việt Nam dao động ở mức độ lớn nhất thế giới, mặc dù kinh tế vĩ mô bình thường hoặc nền kinh tế không bị khủng hoảng nhiều như các nước trên thế giới. Tại sao lại như vậy?

Khi thị trường chứng khoán mở cửa hoạt động vào ngày 28-7-2000, tổng cộng chỉ có 400 tài khoản. Khi đó, cũng chỉ mới có 2 mã cổ phiếu niêm yết đầu tiên (REE và SAM), sau đó có thêm 2 loại nữa là HAP và TMS.

Đến nay, khi số cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán đã gấp hơn 100 lần thì số tài khoản của nhà đầu tư cũng đã gấp trên 1.000 lần (khoảng hơn 500.000 tài khoản) mà nhà đầu tư cá nhân là lực lượng chủ chốt. Trong nhiều thời điểm, chính lực lượng nhà đầu tư cá nhân hùng hậu về số lượng mới là lực lượng dẫn dắt thị trường.

Chẳng hạn, tháng 5 vừa qua, sau một thời gian dài ảm đạm, VN-Index đã liên tục có những phiên giao dịch có giá trị trên 1.000 tỷ đồng mà lực lượng dẫn dắt chính là các nhà đầu tư cá nhân khi họ ào ạt gom hàng. So sánh về tỷ lệ cho thấy, tại nhiều thời điểm, giá trị giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân gấp rất nhiều lần các nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, nếu lùi lại thời điểm khủng hoảng của năm 2008, khi khối ngoại miệt mài bán ròng thì cũng chính các nhà đầu tư cá nhân đã "góp phần" quan trọng kéo Vn-Index giảm gần 70% giá trị.

Một trong những lý do là nhà đầu tư cá nhân thường bị hạn chế cơ hội tiếp cận, nắm bắt thông tin một cách kịp thời, có hiệu quả, đồng thời xu hướng chạy theo tâm lí đám đông, thích đầu cơ hơn là đầu tư... cũng là những tác nhân có sức nặng.

Do đó, trong hoàn cảnh thị trường có nhiều yếu tố tích cực, họ hào hứng tham gia nhưng khi có những thông tin bất lợi, rất dễ xảy ra tình trạng hoảng loạn, bán đổ bán tháo, nếu không thì cũng hết sức dè dặt.

Phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất với Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc xây dựng một đề án chiến lược phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức.

Theo đánh giá của VAFI, trải qua hơn 9 năm hoạt động của thị trường chứng khoán, lực lượng nhà đầu tư tổ chức đã có những bước trưởng thành rõ rệt. Đến nay, toàn thị trường đã có hơn 100 công ty chứng khoán hoạt động. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã cấp phép thành lập cho 46 công ty quản lý quỹ trong nước.

Bên cạnh đó là sự có mặt của hàng trăm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, hầu hết các tổ chức tài chính trong nước như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, bảo hiểm đều tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lực lượng nhà đầu tư tổ chức còn chưa đạt được yêu cầu nếu so với các thị trường chứng khoán quốc tế. Cụ thể, tỷ trọng giá trị giao dịch hằng ngày của nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại khoảng 85% thuộc về nhà đầu tư cá nhân.

Tỷ lệ này đối nghịch so với thị trường chứng khoán tại các nước phát triển, khi nhà đầu tư tổ chức chiếm khoảng 80%-85% giá trị giao dịch hằng ngày. Mặt khác, vốn kinh doanh cổ phiếu của các tổ chức trong nước lại nhỏ bé so với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, cũng ngược với thông lệ quốc tế.

Thêm vào đó, nếu nhìn vào cơ cấu cổ đông trong công ty đại chúng, nếu loại trừ tỷ lệ cổ phần của cổ đông nhà nước thì nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm khoảng 70-85%/vốn điều lệ. Đây là một tỷ lệ rất "nhạy cảm", nếu so sánh thì thông lệ quốc tế cũng ngược lại. Qua 9 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phải đương đầu với (ít nhất) 3 cuộc khủng hoảng lớn và nhiều cuộc khủng hoảng nhỏ.

Nhiều ý kiến nhận định, chính yếu tố các tổ chức đầu tư tại Việt Nam còn nhỏ bé so với lực lượng nhà đầu tư cá nhân, cho nên chưa thể đóng vai trò là nhân tố ổn định nên mỗi khi có thông tin bất lợi thì thị trường thường diễn biến rất phức tạp.

Rõ ràng, lực lượng nhà đầu tư tổ chức chưa đảm đương được vai trò làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán. Cũng theo VAFI, để thị trường chứng khoán nước ta phát triển bền vững, dù cần phải có thêm nhiều giải pháp thì trong đó, nền tảng vẫn là chú trọng phát triển hệ thống các nhà đầu tư có tổ chức. Vấn đề ở chỗ thực hiện đề án này như thế nào khi rõ ràng trong khoảng thời gian phát triển dù non trẻ nhưng không phải là quá ngắn của thị trường chứng khoán, không phải ít người nhận ra những điểm bất bình thường từ cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường. Chính VAFI cũng thừa nhận ai cũng biết tình trạng này song... "nói thì dễ, làm mới khó".

(Theo HanoiMoi)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân