Monday, December 7, 2009

Dự báo TTCK trước biến động chính sách

Các điều chỉnh trong chính sách lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã gây ra một số lo ngại về những thay đổi trong tình hình kinh tế vĩ mô.

Lo ngại về lạm phát tăng cao trong năm 2010 là có thật, nhưng việc tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và tỷ giá nhằm mục đích ổn định tiền tệ nhiều hơn là dấu hiệu khởi đầu của một sự mất ổn định.

ĐTCK xin giới thiệu bài viết của bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng Bộ phận phân tích CTCK Bản Việt về hai vấn đề nóng là cung cầu USD và khả năng tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới, bên cạnh đó là tác động của chính sách tiền tệ đến TTCK.

Việt Nam có thật sự thiếu USD?

So sánh tương quan thời điểm giữa tháng 6/2008 - thời điểm cơn sốt về ngoại tệ lên đỉnh điểm của năm ngoái và thời điểm giữa tháng 11/2009 có một số nét tương đồng: chênh lệnh giữa lãi suất cơ bản và lãi suất liên ngân hàng ở mức khá cao (>4%); chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do trên 10% (xem bảng). Điều này gây ra áp lực khá lớn lên thị trường tiền tệ.

Tuy vậy, xét về quan hệ cung cầu ngoại tệ thì tình hình ở thời điểm hiện tại có nhiều khác biệt so với thời điểm giữa năm 2008. Tháng 6/2008, Việt Nam chịu thâm hụt cán cân thương mại lên đến hơn 14 tỷ USD, trong khi các nguồn ngoại tệ chỉ đáp ứng khoảng 9,5 tỷ USD, thiếu hụt hơn 4,6 tỷ USD. Trong khi đó, tại tháng 11/2009, thâm hụt thương mại của Việt Nam là 10,4 tỷ USD, vẫn thấp hơn so với nguồn ngoại tệ chảy vào và trạng thái ngoại tệ là +4,4 tỷ USD (xem bảng).

Do vậy, Việt Nam không thật sự thiếu USD. Áp lực điều chỉnh tỷ giá của NHNN vừa qua là do lượng đầu cơ ngoại tệ tăng mạnh, xuất phát từ biến động của giá vàng, cùng với áp lực mất giá của VND khi lãi suất VND được duy trì ở mức khá thấp trong một thời gian dài.

Lãi suất cơ bản có thể tăng thêm vào đầu năm 2010

Lạm phát trong năm 2009 được dự báo ở mức 6%, một mức khá tốt so với mức 23% của năm 2008. Tuy vậy, với chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì trong năm 2009, cộng với chính sách hỗ trợ lãi suất 4%/năm, lo ngại lạm phát tăng trở lại trong năm 2010 là một vấn đề tác động nhiều đến các quyết sách vĩ mô trong thời gian tới.

Trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng ổn định, với GDP tăng trưởng bình quân từ 7 - 8% và CPI ở mức 7 - 12%, lãi suất cơ bản được duy trì ở mức 8%. Lãi suất cơ bản thường được điều chỉnh khi có những thay đổi trong lạm phát kỳ vọng hoặc có những diễn biến bất lợi trên thị trường tiền tệ.

Trong vòng 1 tháng qua, lãi suất liên ngân hàng được duy trì ở mức khá cao, 10%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tuần trở lên. Chênh lệch giữa lãi suất liên ngân hàng và lãi suất cơ bản do đó cũng rộng hơn, lên đến 3%/năm. Đáng lưu ý là lãi suất huy động trên thị trường liên ngân hàng chủ yếu là để bù đắp thiếu hụt thanh khoản ngắn hạn của ngân hàng. Do vậy, khi lãi suất liên ngân hàng gần bằng trần lãi suất cho vay 10,5%/năm thì chênh lệch lãi suất trong hệ thống ngân hàng dường như là không đáng kể (xem đồ thị). Điều này cho thấy mức độ căng thẳng của thị trường tiền tệ trong vòng 1 tháng qua.

NHNN đã điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản từ 7%/năm lên 8%/năm kể từ ngày 1/12/2009. Tuy nhiên, dường như điều này vẫn chưa giải tỏa được hết những căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất huy động VND ngày 2/12 đã lên tới 10,65%/năm.

Ngay sau đó, NHNN cho biết, sẽ tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động các tổ chức tín dụng có lãi suất huy động từ 10,5%/năm trở lên nhằm chấn chỉnh hoạt động chạy đua lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Có thể nói, tác dụng của đợt nâng lãi suất cơ bản vừa rồi chưa giải quyết được căng thẳng trong huy động vốn của hệ thống ngân hàng. Và với diễn biến của lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao, lên đến 11%/năm, nhiều khả năng lãi suất cơ bản sẽ có một đợt điều chỉnh tăng nữa trong thời gian tới, gần nhất là vào đầu năm 2010.

TTCK sẽ bị tác động như thế nào?

Có thể thấy một yếu tố góp phần thúc đẩy TTCK phục hồi trong thời gian qua đến từ nguồn tiền khá lớn của hệ thống ngân hàng. Với chính sách nới lỏng tiền tệ, duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp (7%/năm) kể từ đầu năm để kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11 đã là 34,5%, vượt mốc 30% do NHNN đề ra. Tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và đà phục hồi của TTCK được thể hiện khá rõ nét khi tỷ lệ tương quan giữa hai chỉ số này lên tới 94% trong thời gian qua.

Thị trường bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh giảm khi tăng trưởng tín dụng tăng chậm lại và tín dụng được kiểm soát chặt chẽ hơn kể từ cuối tháng 10. Với nhận định lãi suất cơ bản có khả năng tiếp tục tăng vào đầu năm sau và chính sách tiền tệ sẽ từng bước thắt chặt hơn để kiểm soát nguy cơ lạm phát, chúng tôi cho rằng, TTCK sẽ chịu nhiều tác động từ chính sách tiền tệ.

Trong giai đoạn hiện tại, những tín hiệu quan trọng để nhận biết những thay đổi trên TTCK trong thời gian tới bao gồm: lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động, tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá trên thị trường tự do. Một khi lãi suất bình ổn và tỷ giá trở lại cân bằng, các rủi ro về thay đổi chính sách sẽ giảm bớt.

Tuy vậy, chúng tôi kỳ vọng yếu tố hỗ trợ TTCK sẽ là kết quả kinh doanh quý IV/2009 của các doanh nghiệp và dòng tiền từ các NĐT nước ngoài trong thời gian tới khi những dự án cải cách của Chính phủ được thực hiện.

Để nâng cao tính hấp dẫn của thị trường vốn trong nước, Chính phủ đã nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các công ty đại chúng tối đa từ 30% lên 49% vốn điều lệ (Quyết định 55/2009/QĐ-TTg). Đối với các quỹ thành viên, sẽ không hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài và cho phép thành lập quỹ thành viên tới 100% vốn nước ngoài.

Do vậy, những vấn đề nội tại của TTCK nằm ở rủi ro về chính sách. Và nếu thanh khoản tiếp tục ở mức yếu và chưa có nhiều cải thiện, thị trường chưa thể bứt phá mạnh.

(Theo DTCK)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân