Thursday, December 10, 2009

Phố Wall tăng điểm nhờ USD giảm giá

Ngày 9/12, chứng khoán Mỹ đã phục hồi trở lại nhờ sự nâng đỡ của cổ phiếu tài chính, công nghệ và nguyên vật liệu cơ bản, do USD giảm giá so với các ngoại tệ mạnh khác.

Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã có bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, trong thư viết, việc kéo dài “Chương trình giải trừ tài sản xấu - TARP” đến ngày 3/10/2010, sẽ cho phép Chính quyền Tổng thống Obama sử dụng nguồn quỹ để ngăn chặn làn sóng tịch biên nhà và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

“Việc mở rộng này là cần thiết để hỗ trợ các gia đình Mỹ và giúp ổn định thị trường tài chính. Bởi vì nó sẽ giúp chúng ta tiếp tục thực hiện các chương trình nhằm vào thị trường bất động sản và các doanh nghiệp nhỏ, qua đó sẽ duy trì khả năng đối phó với những đe dọa không lường trước.

Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Obama đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế và tạo việc làm, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, với giá trị khoảng 200 tỷ USD. Theo đó, ba lĩnh vực chính được hỗ trợ đó là việc cắt giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Bank of America - ngân hàng lớn nhất ở Mỹ, xét về mặt tài sản - cho biết đã thực hiện xong việc trả nợ 45 tỷ USD cho Chính phủ Mỹ mà họ đã vay hồi tháng 10/2008.

Trong khi đó, tuyên bố của Citigroup cho hay, ngân hàng này cũng có kế hoạch trả 20 tỷ USD nợ cho Chính phủ Mỹ trong “Chương trình giải trừ nợ xấu - TARP”. Nguồn vốn để trả nợ sẽ được Citigroup chào bán cổ phiếu.

Trong đợt khủng hoảng lên cao điểm, Citigroup đã vay của Chính phủ Mỹ 45 tỷ USD. Và trong năm nay, Chính phủ Mỹ cũng đã đồng ý chuyển 25 tỷ USD nợ thành 7,7 tỷ cổ phiếu phổ thông và với giá thị trường hiện nay, vốn hóa đã tăng lên 30 tỷ USD.

Chứng khoán hưởng lợi khi USD giảm giá

Mở cửa ngày giao dịch với mức tăng/giảm không đáng kể, cả ba chỉ số sau đó đã giảm khá mạnh, đưa Dow Jones, Nasdaq mất hơn 0,4%, còn Nasdaq giảm 0,76%. Sự giằng co diễn ra rất mạnh trong suốt cả ngày giao dịch, nhưng kết thúc phiên buổi chiều, các chỉ số chứng khoán vẫn có được mức tăng điểm khá.

Đồng USD yếu đã giúp cổ phiếu hàng hóa cơ bản tăng mạnh, qua đó thúc đẩy thị trường đi lên. Cổ phiếu U.S. Steel lên 5,7%, cổ phiếu Alcoa nhích 1,6%...

Cổ phiếu khối tài chính đã tăng 0,5%, trong đó cổ phiếu của khối ngân hàng vừa và nhỏ đã tăng điểm ấn tượng nhất. Cổ phiếu Capital One lên 2,7%, cổ phiếu Zions Bancorp tiến thêm 1,8%.

Thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ở mức gần 1,1 tỷ cổ phiếu trên sàn New York, thị trường cứ có 16 cổ phiếu lên điểm thì có 13 cổ phiếu giảm điểm. Trên sàn Nasdaq, khối lượng giao dịch đạt 2,28 tỷ cổ phiếu.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 9/12: chỉ số Dow Jones tăng 51,08 điểm, tương đương 0,5%, chốt ở mức 10.337,05.

Chỉ số Nasdaq lên 10,74 điểm, tương đương 0,49%, chốt ở mức 2.183,73.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 nhích 4,01 điểm, tương ứng 0,37%, đóng cửa ở mức 1.095,95.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Năm: Ngân hàng Trung ương Anh đưa ra quyết định về lãi suất cơ bản; công bố số liệu số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; đấu thầu trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm

Thứ Sáu: Chính phủ Mỹ báo cáo về doanh thu bán lẻ; giá cả hàng hóa, dịch vụ xuất, nhập khẩu.

Chứng khoán châu Á trong sắc đỏ, thị trường Dubai đổ dốc

Ngày 9/12, chứng khoán châu Á đã giảm điểm trên diện rộng trước hàng loạt tin xấu được công bố.

Thị trường chứng khoán khu vực đón tin tiêu cực khi phải đối mặt với những nỗi lo mới sau khi Hy Lạp bị Fitch Ratings đánh tụt hạng mức tín nhiệm nợ, từ mức A- xuống BBB+. Bên cạnh đó, những lo ngại về diễn biến mới liên quan đến cuộc đàm phán giữa Dubai World vẫn chưa ngã ngũ.

Thêm vào đó, Văn phòng Nội các Nhật công bố GDP trong quý 3/2009 đã tăng 0,3%, thấp hơn so với mức 1,2% được đưa ra trong tháng trước. Việc các công ty cắt giảm đầu tư chính là nguyên nhân khiến mức tăng trưởng đạt thấp.

Thông tin này ngay lập tức đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán Nhật, chỉ số Nikkei 225 đã giảm điểm khá mạnh trước áp lực giảm giá của các cổ phiếu blue-chip khối tài chính và các hãng xuất khẩu lớn. Cổ phiếu Mitsubishi hạ 1,6%, cổ phiếu Mitsui & Co mất 3,3%, cổ phiếu Honda giảm 2,1%, cổ phiếu Toyota mất 1,1%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 135,75 điểm, tương đương -1,3%, chốt ở mức 10.004,72. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 1,9 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 0,75% xuống 120,02 điểm. Thị trường chứng khoán Dubai tiếp tục sụt giảm hơn 6,5% trong phiên buổi sáng, trước những lo ngại mới của từ Dubai World.

Điểm qua kết quả giao dịch của các thị trường châu Á khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,37%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,44%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam mất 3,65%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 0,39%. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 0,19%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1,73%. Chỉ số ASX của Australia mất 0,72%.

(Theo VnEconomy)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân