Friday, November 13, 2009

Phố Wall giảm điểm trước áp lực chốt lời

Ngày 12/11, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trước sự trượt giảm của cổ phiếu khối năng lượng do giá dầu giảm và triển vọng không khả quan của ngành bán lẻ.

Hôm thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 7/11/2009 đã giảm 12.000 xuống 502.000 người, từ mức 514.000 trong tuần trước đó. Đây là tuần thứ 8 trong 9 tuần, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu suy giảm ở Mỹ.

Theo số liệu của Bộ này, tính đến ngày 31/10/2009, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ là 5,631 triệu.

Chuyển qua thông tin đáng chú ý khác, Wal-Mart vừa cho biết lợi nhuận sau thuế quý 3/2009 đạt 3,23 tỷ USD, tương đương 84 cent/cổ phiếu, từ mức 3,14 tỷ USD (80 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của hãng tăng 1,1% so với cùng kỳ lên 98,67 tỷ USD.

Wal-Mart dự báo lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2009 của hãng sẽ đạt 1,08-1,12 USD/cổ phiếu. Dự báo của Wal-Mart thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích vì quý 4 chính là thời điểm mua sắm tăng mạnh nhất. Do vậy, nhà đầu tư lo ngại về triển vọng của cả ngành bán lẻ, và quan trọng hơn là sức mua của người tiêu dùng. Đây là một trong những nhân tố quan trọng đẩy thị trường mất điểm khá sâu trong phiên này.

Dow Jones chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng điểm

Thị trường mở cửa ngày giao dịch với mức giảm điểm nhẹ nhưng sau đó đã nhanh chóng có đợt tăng điểm, đưa S&P 500 chính thức vượt mốc 1.100 điểm vào lúc 10h (giờ địa phương). Tuy nhiên, đấy là tất cả những gì tích cực nhất mà thị trường đạt được trong ngày giao dịch.

Bắt đầu từ thời điểm hơn 11h, lực cầu yếu dần và hành động chốt lời liên tục gia tăng sức ép đối với thị trường, khiến các chỉ số liên tục giảm điểm và không một lần có cơ hội phục hồi lên mốc giá trị phiên liền trước. Như vậy, Dow Jones đã giảm điểm sau 6 phiên khởi sắc, còn S&P 500 và Nasdaq đón phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp.

Trái với diễn biến phiên trước đó, 25/30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones đã cùng mất điểm. Bank of America, JPMorgan, Caterpillar, Cisco và Travelers đều nằm trong nhóm cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất với biên độ trên 2%.

Giá dầu giảm hơn 3% xuống dưới 77 USD/thùng nên đã kéo cổ phiếu khối năng lượng giảm theo. Chỉ số S&P Năng lượng phiên này mất 2%, trong đó cổ phiếu Exxon Mobil và Chevron cùng giảm trên 1,3%, cổ phiếu Hess Corp mất 2,5%...

Không chỉ riêng khối năng lượng, cổ phiếu khối tài chính và bán lẻ cũng giảm khá mạnh, trong đó chỉ số S&P Tài chính giảm 1,8%, cổ phiếu khối bán lẻ hạ 0,8%. Riêng cổ phiếu Wal-Mart đạt được mức tăng 0,5% lên 53,24 USD/cổ phiếu.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 12/11: chỉ số Dow Jones giảm 93,79 điểm, tương đương -0,91%, chốt ở mức 10.197,47.

Chỉ số Nasdaq xuống 17,88điểm, tương đương -0,83%, chốt ở mức 2.149,02.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến hạ 11,27 điểm, tương ứng -1,03%, đóng cửa ở mức 1.087,24.

Khối lượng giao dịch phiên này đạt 1,05 tỷ cổ phiếu trên sàn New York, thị trường cứ có 4 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm. Trên sàn Nasdaq, khối lượng giao dịch đạt 2,24 tỷ cổ phiếu, thị trường có 10 cổ phiếu mất điểm thì có 5 cổ phiếu tăng điểm.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Sáu: Công bố về hoạt động thương mại thế giới, giá hàng hóa xuất nhập khẩu; công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng.

Chứng khoán châu Á đón phiên điều chỉnh giảm

Ngày 12/11, chứng khoán châu Á đã có phiên điều chỉnh giảm sau chuỗi 4 phiên tăng điểm trước đó.

Mở đầu phiên giao dịch, hầu hết các chỉ số chứng khoán đều tăng điểm nhẹ so với phiên trước đó, tuy nhiên đà tăng của thị trường không duy trì được cho đến phiên buổi chiều. Hoạt động chốt lời trong phiên giao dịch trước vốn đã làm thị trường giảm đà tăng vào cuối ngày, nên việc nhà đầu tư tăng mạnh hành động chốt lời trong ngày 12/11 cũng không gây ngạc nhiên đối với thị trường.

Trước nguồn cung tăng nhanh, nhiều chỉ số chứng khoán đã giảm điểm khá mạnh vào phiên buổi chiều. Trong đó thị trường Hàn Quốc, Hồng Kông đã giảm trên 1% giá trị.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này giảm 0,3% xuống 118,48 điểm. Như vậy chỉ số này đã giảm 2,2% giá trị so với thời điểm đạt mức cao nhất trong 13 tháng được thiết lập ngày 20/10/2009.

Trái với diễn biến của thị trường châu Á, chứng khoán Việt Nam tiếp tục có thêm phiên tăng điểm ấn tượng. Sức cầu mạnh vào cuối ngày giao dịch đã đẩy nhiều cổ phiếu tăng mạnh và giúp VN-Index tiến sát ngưỡng 550 điểm.

Chuyển qua thị trường khác, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vừa đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản đồng Won ở mức 2%/năm. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp nước này giữ nguyên lãi suất cơ bản nhằm giúp nền kinh tế nhanh phục hồi. Trong quý 3/2009, GDP của Hàn Quốc đã tăng 2,9% - mức tăng mạnh nhất trong 7 năm qua.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số KOSPI phiên này đã điều chỉnh giảm 1,4% giá trị sau thời gian tăng điểm liên tiếp trước đó.

Điểm qua kết quả giao dịch của các thị trường: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan lên 0,04%. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 0,71%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông xuống 1,01%. Chỉ số BSE của Ấn Độ trượt 0,48%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam lên 1,56%. Chỉ số ASX của Australia hạ 0,16%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 0,68%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc mất 0,07%.

(Theo VnEconomy)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân