Tuesday, September 29, 2009

Phố Wall tăng tốc

Ngày 29/9, loạt tin mua bán sáp nhập doanh nghiệp đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ lên điểm mãnh mẽ, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm điểm trước đó.

Hôm thứ Hai, Reuters đưa tin Tập đoàn Xerox đang có kế hoạch mua lại công ty dịch vụ máy tính - Affiliated Computer Services (ACS) với giá 6,4 tỷ USD bằng tiền mặt và cổ phiếu. Xerox nuôi tham vọng mở rộng lĩnh vực kinh doanh ra ngoài lĩnh vực chính là máy photocopy, để trở thành nhà quả trị trung tâm dữ liệu và dịch vụ thuê ngoài (outsourcing).

Cụ thể, Xerox sẽ trả 4,935 cổ phiếu Xerox và 18,6 USD tiền mặt để đổi lấy một cổ phiếu của ACS, đưa tổng giá trị lên 63,11 USD/cổ phiếu.

Giá trị của thương vụ này cao hơn 33,6% so với giá cổ phiếu của ACS phiên cuối tuần trước. Tuần trước Dell cho biết sẽ mua Perot Systems và tháng 8/2008, Hewlett-Packard mua lại Electronic Data Systems.

Cùng ngày, tập đoàn sản xuất nhựa, hóa chất và dược phẩm của Bỉ - Solvay cho biết sẽ bán đơn vị sản xuất dược phẩm cho hãng Abbott Laboratories (Mỹ) với giá 4,5 tỷ Euro (6,6 tỷ USD) bằng tiền mặt và các khoản tái đầu tư vào đơn vị kinh doanh hóa chất và nhựa của Solvay.

Tăng điểm sau 3 phiên giảm

Hai thông tin mua bán sáp nhập doanh nghiệp trên đã thúc đẩy thị trường lên điểm mãnh mẽ, đưa các chỉ số chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó.

Sau phiên tăng điểm này, chỉ số Dow Jones đã tăng được 16% trong quý 3/2009 và trở thành quý tăng điểm mạnh nhất kể từ quý 4/1998.

Đây là lần đầu tiên sau 8 phiên, thị trường chứng khoán Mỹ lại có được mức tăng mạnh mẽ và có sức cầu vững đến vậy. Thị trường mở cửa với mức tăng xấp xỉ 0,5%, nhưng sau khi có tin về các vụ mua bán sáp nhập thì các chỉ số đã bật tăng mạnh và duy trì vị thế lên điểm với biên độ khá lớn đến hết ngày giao dịch.

Cổ phiếu ngành công nghệ, chăm sóc sức khỏe đã tăng mạnh nhất sau khi trong ngành có tin tức về kế hoạch mua bán sáp nhập. Trong đó, cổ phiếu của Abbott tăng 2,6%, cổ phiếu Affiliated Computer lên 14%.

Cổ phiếu blue-chip của nhiều tập đoàn công nghiệp lớn trong chỉ số Dow Jones cũng có được mức tăng mạnh, trong đó cổ phiếu của Boeing lên 3%, cổ phiếu 3M tiến thêm 1,6%.

Trên sàn Nasdaq, cổ phiếu Apple tăng 2,1% sau khi China Unicom thông báo sẽ bắt đầu bán điện thoại iPhone của Apple tại thị trường Trung Quốc từ tháng 10/2009. Cổ phiếu Cisco Systems phiên này tăng 4,4%.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 29/9: chỉ số Dow Jones tăng 124,17 điểm, tương đương 1,28%, chốt ở mức 9.789,36.

Chỉ số Nasdaq lên 39,82 điểm, tương đương 1,9%, chốt ở mức 2.130,74.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 1062,98 điểm, tương ứng 1,78%, đóng cửa ở mức 1.062,98.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 979,3 triệu cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Trên sàn Nasdaq, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 1,92 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 10 cổ phiếu lên điểm thì có 7 cổ phiếu giảm điểm.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Ba: Công bố chỉ số giá nhà Case-Shiller; chỉ số niềm tin người tiêu dùng.

Thứ Tư: ADP công bố báo cáo về tình hình việc làm khu vực phi sản xuất; số liệu về GDP.

Thứ Năm: Công bố thu nhập/chi tiêu của người dân Mỹ; số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; chỉ số ISM ngành sản xuất; chi tiêu trong lĩnh vực xây dựng; doanh số bán ôtô.

Thứ Sáu: Báo cáo tình hình việc làm tháng 9 của Bộ Lao động Mỹ, số đơn đặt hàng từ các nhà máy.

Chứng khoán châu Á sụt giảm mạnh nhất trong 6 tuần

Chứng khoán Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông cùng giảm trên 2% nên đã đẩy chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm sâu phiên đầu tuần.

Đối với thị trường Nhật và Hồng Kông, hai chỉ số Nikkei 225 và Hang Seng đã giảm ngay từ đầu phiên giao dịch buổi sáng và duy trì xu thế giảm điểm đến hết ngày giao dịch. Còn chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc thì trụ vững phiên buổi sáng nhưng lại sụt giảm phiên buổi chiều.

Chứng khoán khu vực đã chịu ảnh hưởng xấu sau khi báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết số đơn đặt hàng lâu bền (máy bay, ôtô, tủ lạnh…) tại nước này trong tháng 8/2009 đã giảm 2,4%, từ mức tăng 4,8% trong tháng 7. Ngoài ra, doanh số bán nhà mới trong tháng 8 cũng thấp hơn mức kỳ vọng của giới phân tích Phố Wall.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này giảm 115,71 điểm, tương đương -1,8%, chốt ở mức 115,71 - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 17/8/2009.

Chuyển qua diễn biến thị trường Nhật, chỉ số Nikkei 225 đã giảm điểm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2009. Đồng Yên lên mức cao nhất trong 8 tháng so với USD nên đã thúc đẩy nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu của các hãng xuất khẩu lớn.

Bên cạnh đó, tin không khả quan từ thị trường nhà đất ở và số đơn đặt hàng lâu bền ở Mỹ giảm đã tạo áp lực khiến thị trường mất điểm.

Cổ phiếu Honda mất 5%, cổ phiếu Tokyo Electron hạ 5,2%, cổ phiếu Advantest trượt 4,1%, cổ phiếu Sanyo Electric xuống 6,4%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 256,46 điểm, tương đương -2,5%, chốt ở mức 10.009,52. Khối lượng giao dịch đạt 2,1 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan hạ 0,83%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam mất 0,14%. Chỉ số ASX của Australia giảm 0,8%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt giảm 2,5%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,94%. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 1,27%.

(Theo VnEconomy)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân