Wednesday, March 25, 2009

“Đừng bắt nhầm” đại lý nhận lệnh

Nếu vì một số đại lý nhận lệnh làm sai mà đóng cửa tất cả ĐLNL thì đó là sự bất công theo kiểu "thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót".

Việc Bộ Tài chính đột ngột ra quyết định đóng cửa đại lý nhận lệnh chứng khoán (ĐLNL) sau 1 năm kể từ ngày Quyết định 126/2009/QĐ-BTC có hiệu lực không chỉ khiến các CTCK gặp khó khăn trong việc tìm hướng đi mở rộng thị trường mà còn để lại trong lòng họ nhiều ấm ức.

Phải chăng hoạt động của các ĐLNL có nhiều rủi ro đến mức phải cấm hẳn như trên? Xin cùng thử tìm hiểu một vài ĐLNL để hiểu thực trạng này.

Tại CTCK Ngân hàng Á châu (ACBS), bám theo mạng lưới của ngân hàng mẹ, tổng cộng ACBS đã ký hợp đồng mở khoảng 50 ĐLNL trên cả nước.

Để quản lý các ĐLNL, Tổng giám đốc ACBS đã ký ban hành Quy chế hoạt động trong đó quy định cụ thể về tiêu chuẩn, trách nhiệm, những việc ĐLNL cần làm và được làm, trách nhiệm hỗ trợ của từng bộ phận trong ACBS đối với ĐLNL…

Theo Quy chế này, ĐLNL của ACBS phải có mặt bằng tối thiểu 50 m2, chiều ngang tối thiểu 5 m, diện tích tường/phông tối thiểu treo được 3 bảng điện tử, các trang thiết bị tối thiểu.

Trách nhiệm của ACBS là đảm bảo thông suốt đường truyền dữ liệu, quy trình giao dịch, đào tạo nhân viên, theo dõi giám sát hoạt động của ĐLNL. Bao trùm lên hết là ĐLNL phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ĐLNL.

Tại chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng ACB, chỉ cần mở thêm một ĐLNL của ACBS bên cạnh là ACB có thể phục vụ nhà đầu tư với các dịch vụ cơ bản không kém gì sàn giao dịch tại các chi nhánh, hay trụ sở của ACBS ở TP. HCM.

Nhà đầu tư có thể đóng tiền vào tài khoản của ACB, sau đó sang ACBS cạnh đó để đặt lệnh giao dịch, theo dõi diễn biến thị trường trên bảng điện tử.

CTCK của các ngân hàng khác cũng có lợi thế phát triển mạng lưới trên cơ sở mạng lưới chi nhánh, của ngân hàng mẹ. CTCK Sacombank là một ví dụ. ĐLNL của Sacombank cũng phải đảm bảo đủ diện tích chiếu 3 bảng điện cùng với nhiều điều kiện khác.

Các CTCK không có ngân hàng mẹ thì thường ký hợp đồng ĐLNL với các chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính ở địa phương để xâm nhập thị trường. CTCK VNDirect có 7 ĐLNL, trong đó hoặc là Công ty hợp tác với Công ty Tài chính dầu khí (PVFC), hoặc là hợp tác với ngân hàng.

Theo các CTCK, việc mở ĐLNL trước là để thăm dò thị trường. Sau một thời gian, CTCK mới xem xét có nâng cấp thành chi nhánh hay không. Đầu tư lập chi nhánh ngay từ đầu sẽ lãng phí về nhân lực, chi phí đầu tư. Mặt khác việc liên kết giữa CTCK với đơn vị khác, nhất là với ngân hàng giúp phát huy lợi thế của mỗi bên để phục vụ khách hàng chung là nhà đầu tư.

Lý lẽ để cơ quan quản lý quyết định đóng cửa các ĐLNL là ĐLNL của một số CTCK đã làm quá quyền hạn của mình. Không chỉ nhận lệnh truyền lệnh, ĐLNL còn nhận tiền của nhà đầu tư, lưu ký chứng khoán và các nghiệp vụ khác dẫn đến những rủi ro cho thị trường.

Tuy nhiên, xét trong trường hợp ĐLNL là các chi nhánh ngân hàng địa phương thì rủi ro như nhận tiền của nhà đầu tư không thể xảy ra.

Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Phú Gia cho biết, Phú Gia có 3 ĐLNL ở Đồng Nai, Đà Lạt và TP. HCM. Đại lý của Phú Gia không phải là ngân hàng và theo người đứng đầu công ty này thì "ĐLNL làm sai ngoài hợp đồng, ngoài quy định của pháp luật thì phải chịu trách nhiệm. Luật đã có quy định về quyền hạn của ĐLNL. Vấn đề là cần kiểm tra, giám sát".

Quyết định 27/2007/QĐ-BTC đã quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của ĐLNL. Theo quy định này, nhiều CTCK đã phát triển các ĐLNL ra toàn quốc.

Nếu vì một số ĐLNL làm sai mà đóng cửa tất cả ĐLNL thì đó là sự bất công theo kiểu "thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót".

(Theo ĐTCK)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân