Friday, March 6, 2009

Phố Wall sụt giảm vì General Motors và Citigroup

Ngày 5/3, Phố Wall giảm mạnh trước lo ngại về khả năng tồn tại của General Motors và cổ phiếu Citigroup có lúc xuống dưới 1 USD/cổ phiếu.

Hôm thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ thông báo, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 28/2/2009 đã giảm 31.000 người xuống 639.000, từ 670.000 trong tuần trước đó.

Theo số liệu của Bộ này, tính đến ngày 21/2/2009, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ là 5,11 triệu.

Dow Jones và S&P 500 lại xuống thấp nhất trong 12 năm

Những lo ngại lớn đã bao trùm lên Phố Wall khi General Motors cho biết kiểm toán của họ đang gia tăng về khả năng General Motors phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 – Luật phá sản ở Mỹ. Theo đó, General Motors vẫn cón thể duy trì hoạt động với sự bảo vệ của tòa án trước các chủ nợ.

Được biết, General Motors đã vay 13,4 tỷ USD từ chính quyền liên bang để vượt qua giai đoạn khó khăn. Hiện hãng này đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ với khoản vay 30 tỷ USD. Trong 3 năm qua, General Motors đã lỗ 82 tỷ USD, trong đó năm 2008 hãng lỗ 30,9 tỷ USD.

Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu của General Motors (GM) mất 15,45%, chốt ở mức 1,86 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường còn 1,14 tỷ USD.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, ở Phố Wall người ta đang có một sự ví von thú vị khi so sánh: “1 USD có thể mua được một tách coffee, 1 cái kẹo cao su hay một cuộn giấy và lần đầu tiên, 1 USD có thể mua được 1 cổ phiếu Citigroup – ngân hàng một thời lớn nhất thế giới xét về mặt giá trị thị trường”.

Cổ phiếu Citigroup có lúc đã xuống 97 cent/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng này còn hơn 5 tỷ USD. Cuối năm 2006, cổ phiếu Citigroup đạt 55 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường đạt 277 tỷ USD - nằm trong nhóm 5 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường cao nhất trong số các tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu Citigroup giảm 9,82% xuống 1,02 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường còn 5,56 tỷ USD.

Những lo ngại khác lại theo sát những mã chứng khoán có nguy cơ xuống dưới 1 USD/cổ phiếu khi từ ngày 30/6, Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) sẽ áp dụng quy định loại khỏi danh sách niêm yết cổ phiếu nếu thị giá của cổ phiếu đó xuống dưới 1 USD.

Theo quy định đó, cổ phiếu xuống dưới 1 USD/cổ phiếu sẽ được gửi thông báo nhắc nhở trong vòng 30 ngày để công ty đó thực hiện những biện pháp để nâng thị giá cổ phiếu lên trên 1 USD, nếu không sẽ bị loại khỏi niêm yết.

Quy định này sẽ làm nhiều cổ phiếu một thời trong nhóm blue-chip như AIG (còn 0,35 USD/cổ phiếu)... và nhiều cổ phiếu khác đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi sàn NYSE.

Sự trượt dốc của cổ phiếu Citigroup hay nguy cơ nộp đơn xin bảo hộ phá sản của General Motors đã làm thị trường trở nên tồi tệ hơn sau khi có một vài phiên phục hồi kỹ thuật.

Theo thường lệ, khi thị trường chứng khoán Mỹ phá ngưỡng hỗ trợ, xuống thấp nhất trong một khoảng thời gian dài, thì giới đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư kinh doanh mua bán cổ phiếu trong ngày (day trading) sẽ tận dụng cơ hội để mua vào nhằm kiếm tìm lợi nhuận từ đợt phục hồi kỹ thuật.

Tuy nhiên, khi cả Dow Jones và S&P 500 đều xuống thấp nhất trong 12 năm, thì các đợt phục hồi kỹ thuật lại ít xảy ra, biên độ phục hồi cũng không đáng kể so với mức giảm điểm trước đó.

Quan trọng hơn, với những thông tin từ Citigroup, General Motors thì ngoài hai cổ phiếu này, nhiều cổ phiếu khối tài chính và cổ phiếu có liên quan đến ngành sản xuất ôtô, linh kiện ôtô lại là mục tiêu của những đợt bán khống cổ phiếu của giới đầu cơ.

Và khi thị trường có chung một mục đích là kiếm tìm lợi nhuận, thì điều tồi tệ (làn sóng bán khống) đương nhiên sẽ đến với các cổ phiếu trong tầm ngắm nói riêng và cả thị trường chứng khoán nói chung.

Cả ba chỉ số chính ở Mỹ đều giảm 4% trong phiên giao dịch này, đẩy chỉ số Dow Jones xuống dưới ngưỡng 6.600 điểm.

Cổ phiếu khối tài chính đã đồng loạt sụt giảm, trong đó cổ phiếu Bank of America mất 11,7% xuống 3,17 USD/cổ phiếu, cổ phiếu Wells Fargo sụt giảm 15,94% xuống 8,12 USD/cổ phiếu, cổ phiếu JPMorgan Chase mất 13,99% xuống, cổ phiếu Morgan Stanley hạ 7,32%...

Cổ phiếu khối năng lượng cũng giảm mạnh sau khi giá dầu đi xuống, trong đó cổ phiếu Exxon Mobil giảm 5,3%, cổ phiếu Chevron giảm 4,76%...

Dù thị trường đã xuống mức báo động, tuy nhiên khi hỏi chuyện một nhà đầu tư nổi tiếng ở Phố Wall, Jim O'Shaughnessy vẫn lạc quan cho biết: “Giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn sau khi thị trường xuống thấp nhất trong 12 năm và có thể giá cổ phiếu sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay”.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 5/3: chỉ số Dow Jones sụt giảm 281,4 điểm, tương đương 4,09%, chốt ở mức 6.594,44.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 54,15 điểm, tương đương -4%, chốt ở mức 1.299,59.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 30,32 điểm, tương đương -4,25%, đóng cửa ở mức 682,55.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,88 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 12 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,34 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 6 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm bất chấp quyết định hạ lãi suất

Ngày 5/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản đồng Euro về 1,5%/năm - mức thấp nhất kể từ năm 1999, từ 2%/năm.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản đưa lãi suất đồng Bảng Anh từ 1% về mức 0,5%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 1694.

Bên cạnh đó, BoE cũng thông báo sẽ mua một lượng tài sản trị giá 75 tỷ Bảng Anh (105 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế từ phát hành tiền mới. Trước đó, Chính phủ Anh đã cho phép BoE được mua một lượng tài sản tối đa 150 tỷ Bảng Anh.

Chứng khoán châu Âu đã giảm mạnh bất chấp quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản của ECB và BoE. Phiên giảm điểm này có nguyên nhân quan trọng từ sự giảm điểm của khối tài chính.

Cổ phiếu của hãng bảo hiểm Anh, Aviva đã mất 33,4% giá trị, cổ phiếu Axa, Old Mutual, BNP Paribas và Deutsche Bank giảm từ 7,1-13,1%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh mất 116,01 điểm, tương đương -3,18%, chốt ở mức 3.569,63. Khối lượng giao dịch đạt 2,2 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức giảm 5,02%, khối lượng giao dịch đạt 32 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 3,96%, khối lượng giao dịch đạt 186triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Hai nửa đối lập

Hy vọng về gói kích thích kinh tế từ Trung Quốc đã giúp thị trường Nhật, Trung Quốc, Đài Loan lên điểm.

Tuy nhiên, trước thời điểm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sắp đưa ra quyết định về lãi suất, nhiều nhà đầu tư ở Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore đã có những phản ứng thận trọng.

Ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cho biết nước này không cần phải nâng gói kích thích kinh tế lên trên 4.000 tỷ Nhân dân tệ (585 tỷ USD), nhưng vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 8% trong năm 2009 - cao hơn so với mức dự báo 6,7% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Chi tiêu trong năm tài khóa 2009 sẽ tăng 22% lên 7,62 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,1 nghìn tỷ USD). Trong đó, ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng tăng gấp đôi lên 908 tỷ Nhân dân tệ, chi cho y tế tăng 17,6%, chi cho đầu tư khoa học và công nghệ tăng 25,6%.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Shanghai Composite tiếp tục lên 1,04% sau khi đã tăng hơn 6% trong ngày giao dịch trước đó.

Chuyển qua thị trường khác, chứng khoán Nhật tiếp tục khởi sắc ngày thứ hai nhờ hy vọng gói kích thích kinh tế ở Trung Quốc sẽ sớm phát huy hiệu quả.

Cổ phiếu của nhiều hãng sản xuất máy móc xây dựng cơ sở hạ tầng, vận tải biển đã tăng mạnh sau khi Trung Quốc nâng ngân sách lên gấp đôi cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Cổ phiếu Komatsu tăng 3,8%, cổ phiếu Hitachi Construction tiến thêm 2,7%, cổ phiếu Kubota lên 1,8%; cổ phiếu của các hãng vận tải biển như Mitsui O.S.K. Lines, Kawasaki Kisen, Nippon Yusen tăng từ 4,1-7%.

Đồng Yên tiếp tục mất 0,1% giá trị so với USD xuống mức 99,25 Yên/1 USD, nên đã giúp cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lên điểm, trong đó cổ phiếu Honda tăng 2,5%, cổ phiếu TDK Corp lên 7,2%, cổ phiếu Nissan tiến thêm 6,11%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 142,53 điểm, tương đương 1,95%, chốt ở mức 7.433,49. Khối lượng giao dịch đạt 2,4 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 2,11%. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 1,41%. Chỉ số BSE của Ấn Độ trượt 2,66%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 0,1%. Chỉ số ASX của Australia tăng 0,73%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 0,84%.

(Theo VnEconomy)

1 comment:

Anonymous said...

I really like your blog.. very nice colors & theme.
Did you make this website yourself or did you hire someone to do it for you?
Plz respond as I'm looking to design my own blog and would like to find out where u got this from. thank you

Feel free to surf to my homepage :: laser cellulite treatment

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân