Thursday, March 26, 2009

Giao dịch nội gián, xử quá nhẹ!

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố xử phạt 5 trường hợp sử dụng thông tin nội bộ của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre (FBT) để thực hiện giao dịch chứng khoán, tổng số tiền phạt là 190 triệu đồng.

Tay trong làm xiếc

Ngày 23.9.2008, Sở giao dịch TP.HCM công bố thông tin FBT đã được Bộ Tài chính hoàn trả phần thặng dư vốn trong đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài với tổng số tiền hơn 233 tỉ đồng. Số tiền này được hạch toán vào tài khoản thặng dư vốn của FBT từ ngày 12.9.2008. Trước đó, từ ngày 28.7 (cho đến 19.9.2008), Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương (do ông Nguyễn Quốc Toàn là Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là thành viên HĐQT Công ty FBT) đã đặt lệnh mua 985.820 cổ phiếu (CP), tổng khối lượng CP đã khớp là 550.130 CP. Tương tự, ông Nguyễn Văn Phước - em ruột Chủ tịch HĐQT FBT Nguyễn Văn Hiếu - đã đặt mua 1.289.400 CP FBT từ ngày 16.7 - 19.9.2008, khối lượng khớp là 518.430 CP. Ông Quảng Thanh Liêm - em rể ông Hiếu - đặt mua 371.270 CP FBT, khối lượng khớp là 142.000 CP từ ngày 13.8 - 19.9.2008. Ông Trương Thành Dũng là người có quan hệ hợp tác kinh doanh với FBT đã đặt lệnh mua 236.500 CP, khối lượng khớp là 183.150 CP, từ ngày 9.9 - 16.9.2008. Ông Nguyễn Hữu Thuần - cán bộ Sở Tài chính Bến Tre - đăng ký mua 59.390 CP FBT, khối lượng khớp là 30.700 CP, từ ngày 24.7 - 17.9.2008.

Ngay sau khi hoàn trả phần thặng dư vốn được công bố, giá CP FBT liên tục tăng trần. Cụ thể, từ giá mở cửa ngày 23.9.2008 (ngày công bố thông tin) là 18.400 đồng/CP đến ngày 2.10, giá đóng cửa đạt 23.300 đồng/CP (tăng 26,6% chỉ sau 8 phiên giao dịch). Trên thực tế, giá CP này đã tăng dần từ đầu tháng 9.2008 khi thông tin FBT được hoàn trả phần thặng dư vốn bắt đầu rò rỉ ra bên ngoài.

Ngay sau khi hoàn tất việc mua vào CP FBT, các cá nhân nói trên đã đăng ký bán ra trong thời gian rất ngắn. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Phước đã đăng ký bán toàn bộ 537.400 CP FBT đang sở hữu từ ngày 2 - 10.10.2008 theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Trước đó, ông Phước đã bán ra 1.430 CP FBT vào ngày 19.9 nhưng không công bố thông tin, vụ này đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM yêu cầu giải trình. Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương đăng ký bán toàn bộ 364.850 CP FBT từ ngày 2 - 31.12.2008. Sau đó, công ty này đăng ký bán tiếp đến ngày 28.2.2009 vì chưa bán hết...

Xử phạt quá nhẹ!

Theo quyết định xử phạt của UBCKNN, các trường hợp trên đều đã sử dụng thông tin nội bộ về việc hoàn trả phần thặng dư vốn phát hành thêm khi cổ phần hóa của FBT trước khi thông tin này được công bố ra công chúng, vi phạm quy định tại khoản 3 điều 9 Luật Chứng khoán. Vì vậy, mỗi cá nhân nói trên bị phạt 30 triệu đồng và riêng Công ty Rồng Thái Bình Dương bị phạt 70 triệu đồng. Theo quy định, mức phạt cao nhất đối với tổ chức là 70 triệu đồng, cá nhân là 50 triệu đồng. Bên cạnh đó còn có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ các khoản thu trái pháp luật của cá nhân, tổ chức vi phạm.

Một nhà đầu tư (NĐT) tên Hiếu tại sàn SSI bức xúc cho rằng, lẽ ra UBCKNN cần phạt các cá nhân vi phạm ở mức cao nhất là 50 triệu đồng. Một NĐT khác tên Luân thì cho rằng UBCKNN cần áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với những người vi phạm giao dịch nội bộ để răn đe. "Nếu chỉ phạt tiền với mức 30 triệu đồng cho một người thì không khiến người khác lo sợ. Vì tính ra với số lượng CP lớn như thế, nếu bán kịp thì số tiền họ thu lời về phải lên đến con số hàng trăm triệu đồng", anh Luân nói.

Thử làm một phép tính đơn giản, từ tháng 7 đến gần cuối tháng 8.2008, giá FBT bình quân chỉ xoay quanh 12.000 đồng/CP thì đến đầu tháng 10, con số này đã tăng hơn gấp đôi. Như vậy, người mua được số CP FBT ít nhất trong số các trường hợp vi phạm trên cũng bỏ túi số tiền gấp 10 lần số tiền bị phạt. Theo chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí, tính minh bạch thông tin của nhiều doanh nghiệp niêm yết còn quá kém. Điều đó dẫn đến việc các cổ đông nội bộ liên tục mua bán khiến cho cổ đông cá nhân bên ngoài chịu thiệt, nhưng việc xử phạt của UBCKNN không ngăn cản nổi chuyện đó. Do đó ông Chí cho rằng UBCKNN cần đưa ra hình thức chế tài nặng hơn như quy định cấm các cổ đông nội bộ như thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và Ban giám đốc không được bán ra CP trong vòng 6 - 12 tháng. "Quy định đó sẽ giúp bình ổn lòng tin của NĐT trên thị trường. Nếu như các thành viên này muốn bán ra CP thì phải thôi giữ các chức vụ quản trị công ty", ông Chí nói.

* Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo thông tư do Liên bộ Tài chính và Công an ban hành ngày 11.3, UBCKNN và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ sẽ phối hợp để xử lý những vi phạm có hậu quả nghiêm trọng hoặc tội phạm trên thị trường chứng khoán. Sẽ có 8 nhóm vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như tiết lộ, sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch hoặc đề nghị người khác mua, bán chứng khoán; thao túng giá, tạo giá giả tạo, giao dịch giả tạo... UBCKNN cũng đang xây dựng dự thảo nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để trình Bộ Tài chính. Dự thảo này quy định mức phạt tối đa cho một hành vi vi phạm lên đến 500 triệu đồng đối với các hành vi gian lận trong giao dịch, thao túng giá (riêng vi phạm lần đầu có mức phạt từ 200 - 250 triệu đồng).

(Theo ThanhNien)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân