Saturday, March 7, 2009

Giá cổ phiếu và năng lực ban điều hành

Lý giải cho việc suy giảm quá mạnh giá cổ phiếu của mọi công ty cần tìm thêm những yếu tố tiềm ẩn. Một trong những yếu tố đó chính là năng lực của ban điều hành doanh nghiệp.

Nền kinh tế Mỹ dù lâm vào khủng hoảng lớn nhất trong vòng 60 năm qua nhưng giá cổ phiếu (CP) cũng chỉ giảm bình quân 18%, CP một số công ty vẫn lội ngược dòng ngoạn mục như Wallmart, McDonald's, Walt Disney... hơn 70% công ty niêm yết vẫn có lãi tốt, đây là kết quả không tồi trong một năm kinh tế suy thoái. Do vậy, bên cạnh nguyên nhân suy thoái kinh tế toàn cầu và kinh tế VN đang gặp khó khăn, thì có nguyên nhân cần được xem xét khắc phục để giữ vững giá trị CP, đó là sự chưa chuyên nghiệp trong việc quản trị giá trị doanh nghiệp (DN) của ban điều hành.

Quan sát góc độ quản trị chiến lược của các công ty niêm yết từ lúc thị trường chứng khoán (TTCK) bắt đầu hoạt động đến nay, đặc biệt trong 3 năm từ 2006 - 2008, chúng ta thấy nổi bật một nhược điểm cốt lõi, đó là việc quản trị giá trị DN quá yếu kém, thậm chí đã vi phạm rất nhiều nguyên tắc đã được đúc kết trở thành lý thuyết quản trị giá trị DN. Chúng ta có thể điểm qua một số thực chứng nổi bật mang tính điển hình như sau:

Nhiều ban lãnh đạo đã đưa DN phiêu lưu vào lĩnh vực khác lạ, với quy mô vượt quá khả năng quản trị rủi ro. Điển hình nhất là REE từ một công ty được cổ đông hiểu là ngành điện lạnh, hay SAM là ngành sản xuất cáp điện và viễn thông lại gần như trở thành công ty đầu tư tài chính mà giờ đây việc thua lỗ khiến lợi nhuận ngành chính không bù nổi, phải bị đưa vào diện kiểm soát. Đưa nguồn vốn lớn vào lĩnh vực khác lạ, thiếu yếu tố bền vững, không tính đến cái giá của rủi ro, khiến giờ đây hàng loạt công ty bị kiểm soát là bài học quá đắt cho các nhà quản trị DN.

Lao vào lĩnh vực siêu lợi nhuận mang tính đầu cơ

Lợi nhuận tăng trưởng bền vững mới là mục tiêu mà Ban điều hành DN theo đuổi. Giai đoạn 2006 - 2007 các công ty lao vào lĩnh vực siêu lợi nhuận là bất động sản (BĐS) với tính đầu cơ rất cao và giờ đây đang bị chôn vốn rất lớn, không còn nguồn lực cho ngành nghề chính là trường hợp khá phổ biến. Ở đây chúng ta cũng không thể trách việc đầu tư này vì sức hấp dẫn lợi nhuận cao quá mức. Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra nếu các công ty niêm yết cùng triển khai dự án BĐS mà khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư mua để chờ cơ hội bán lại với giá cao hơn? Câu trả lời đã rõ trong năm 2008 - 2009.

Huy động vốn chỉ vì giá CP đang cao

Trong quản trị DN tăng trưởng bền vững không bao giờ huy động vốn cổ đông nếu không có nhu cầu đầu tư thực sự và sau khi đã khai thác hiệu ứng đòn bẩy tài chính.

Trong giai đoạn 2006 - 2007, hàng loạt công ty lớn đã huy động vốn cổ đông với quy mô rất lớn chỉ vì giá CP đang cao. Kết quả là thặng dư vốn rất lớn để đầu tư tài chính hoặc gửi ngân hàng chẳng hạn như SAM đang còn trên 600 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng. Kết quả là vốn điều lệ tăng cao nhưng lợi nhuận không tương xứng khiến giá CP buộc phải suy giảm, hình ảnh công ty trở nên mờ nhạt đối với nhà đầu tư.

Luôn cố gắng đưa tin tốt để tạo kỳ vọng quá lớn cho nhà đầu tư

Không ít ban điều hành xem đó là cách thức giúp tăng giá CP. Trong khi thực tế việc tăng - giảm giá xuất phát từ việc công ty có liên quan đến sự kỳ vọng như thế nào. Một công ty có kết quả lợi nhuận 25%/năm trong khi được kỳ vọng tăng 30%/năm thì đó sẽ là tin xấu. Ngược lại, một công ty báo cáo thu nhập giảm 20% khi nó bị cho là sẽ giảm 30% thì giá CP sẽ tăng lên.

Điều hành quản lý chưa xứng tầm của một công ty cổ phần đại chúng

Nguyên tắc định giá thì công ty cổ phần đại chúng luôn được định giá cao hơn công ty TNHH (Private Firms) vì các yếu tố: Các công ty niêm yết được quản lý bởi một hệ thống kế toán chuẩn mực; Có thông tin đầy đủ; Thuê các nhà quản lý chuyên nghiệp để điều hành DN khác với công ty TNHH trong đó người chủ sở hữu cũng kiêm luôn vai trò quản lý, không tách bạch giữa chủ sở hữu và điều hành. Đối chiếu cho thấy nhiều công ty niêm yết đang hành xử như một công ty TNHH.

Với những đúc kết trên cho thấy phản ứng của nhà đầu tư hiện nay không chỉ lo âu về khó khăn kinh tế mà quan trọng là thiếu niềm tin về điều hành của ban lãnh đạo, khiến VN-Index có xu hướng xuống nhiều hơn lên. Hậu quả là ngay cả những công ty tốt về hoạt động và bộ máy điều hành cũng bị ảnh hưởng bị giảm giá theo, và điều này là rất đáng quan ngại. Về lý thuyết thực chứng, trong những năm thị trường xuống quá mức so với độ xấu của nền kinh tế sẽ là cơ hội đầu tư bằng vàng để tìm kiếm lợi nhuận cao sau 1 - 2 năm nắm giữ. Tuy nhiên nếu nhà đầu tư mất niềm tin vào ban điều hành DN, thì dù khi DN khởi sắc trở lại cùng với nền kinh tế cũng khó làm tăng giá CP.

Trong giai đoạn suy giảm mạnh của TTCK hiện nay, nhà đầu tư giá trị không quan tâm nhiều đến chỉ số VN-Index vì họ chấp nhận đầu tư 1 - 2 năm, nhưng họ sẽ quan tâm đến năng lực và chiến lược của ban điều hành. Ban điều hành nào chứng tỏ được với nhà đầu tư trong mùa đại hội cổ đông hiện nay thì CP công ty vẫn được quan tâm, sẽ khó xuống giá và hứa hẹn bật mạnh khi nền kinh tế phục hồi. Như vậy nhân tố giữ vững giá trị CP, bảo vệ cổ đông đang nằm trong tay ban điều hành với những chiến lược kinh doanh thực chất khả thi.

(Theo ThanhNien)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân