Friday, November 14, 2008

VN-Index tiếp tục tăng điểm

Tiếp tục xu hướng tăng điểm ấn tượng từ phiên liền trước, sáng nay (14/11) đa số cổ phiếu trên Sàn chứng khoán TP.HCM tăng giá khá mạnh phiên thứ hai liên tiếp do nhiều nhà đầu tư quyết định mua vào khi chỉ số VN-Index đang nằm ở mức khá thấp.

Bên cạnh đó, rất nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản xuống hơn nữa sau khi đã điều chỉnh xuống 12% do lạm phát thời gian qua đã được khống chế. Lãi suất giảm sẽ khiến gánh nặng chi phí của doanh nghiệp giảm xuống.

“Không chỉ kỳ vọng lãi suất giảm, nhiều người đang dự đoán giá xăng dầu bán lẻ cũng có thể còn giảm do giá dầu thế giới trong vài ngày qua tuột dốc không phanh, có lúc xuống dưới 55 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với đỉnh cao 147,27 USD/thùng hồi gần giữa tháng 7 vừa qua”, anh Huy, một nhà đầu tư có mặt tại Kim Long sáng nay cho biết.

Hơn thế nữa, sự hồi phục rất mạnh của chứng khoán Mỹ (hầu hết tăng 6-7%) trong phiên giao dịch hôm qua 13/11 và sự bật dậy khá mạnh của thị trường chứng khoán châu Á sáng sớm 14/11 cũng đã hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư trong nước khá mạnh.

Mặc dù vậy, cũng có không ít các nhà đầu tư tranh thủ bán ra do lo ngại cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang mạnh trở lại sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong thời gian tới.

“Đây là lý do khiến thị trường không thể tăng trần trong phiên giao dịch sáng nay”, anh Huy nhận định.

Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên 14/11 tăng 1,68% vượt qua ngưỡng 350 điểm.

VN-Index lên 352,07 điểm

Kết thúc phiên giao dịch sáng 14/11, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 5,83 điểm (1,68%) lên 352,07 điểm.

Trong tổng số 165 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 101 mã tăng giá (có 21 mã tăng kịch trần), 37 mã giảm giá (trong đó có 12 giảm kịch sàn) và 31 mã đứng giá.

Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 14/11 tăng lên 13,5 triệu đơn vị, trị giá 380,8 tỷ đồng (so với 13,3 triệu đơn vị và 367,7 tỷ đồng trong phiên liền trước).

Phiên này, các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất về giá trị tuyệt đối sáng nay bao gồm: DHG của Dược Hậu Giang (tăng trần 5.000 đồng, lên 116.000 đồng/cp); BMC của Khoáng sản Bình Định và SJS của Phát triển khu công nghiệp Sông Đà - Sudico cùng tăng trần 3.500 đồng, lên tương ứng 78.500 đồng/cp và 74.500 đồng/cp; FPT (tăng trần 2.500 đồng, lên 60.000 đồng/cp); COM của Vật tư - Xăng dầu Comeco (tăng trần 1.600 đồng, lên 34.900 đồng/cp).

Trong các cổ phiếu lớn ngoài FPT và SJS tăng giá trần, còn có các cổ phiếu tăng giá khác là PVF của PetroVietnam Finance (tăng trần 900 đồng, lên 20.800 đồng/cp), STB của Sacombank (tăng 500 đồng, lên 23.600 đồng/cp); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (tăng 300 đồng, lên 35.100 đồng/cp); VIC của Vincom tăng 1.000 đồng; VPL của Vinpearl tăng 1.500 đồng; DPM của Đạm Phú Mỹ tăng 1.100 đồng; PPC của Nhiệt điện Phả Lại tăng 300 đồng; HPG của Tập đoàn Hoà Phát tăng 700 đồng...

Các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: IMP của Dược phẩm Imexpharm (giảm sàn 3.500 đồng, xuống 68.500 đồng/cp); OPC của Dược Phẩm OPC (giảm sàn 1.900 đồng, xuống 36.500 đồng/cp); TMS của Kho vận giao nhận ngoại thương Transimex (giảm sàn 1.800 đồng, xuống 36.000 đồng/cp); SHC của Hàng Hải Sài Gòn (giảm sàn 1.300 đồng, xuống 25.600 đồng/cp).

Trong các cổ phiếu lớn, chỉ có TDH của Nhà Thủ Đức giảm 500 đồng, xuống 34.500 đồng/cp.

Các cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Sacombank (2,47 triệu đơn vị); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (1,41 triệu); PVF của PetroVietnam Finance (0,62 triệu); FPT (0,6 triệu); SAM của Sacom (0,51 triệu).

Kết thúc phiên giao dịch sáng 14/11, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 5,83 điểm (1,68%) lên 352,07 điểm.

HASTC-Index tăng 2,2%

Sau 2 phiên giảm giá liên tiếp, sàn chứng khoán Hà Nội đã quay đầu tăng trở lại sau với đa số cổ phiếu tăng giá.

Chỉ số HASTC-Index sáng 14/11 tăng 2,43 điểm (2,2%) lên 113,07 điểm.

Khối lượng giao dịch thành công tăng nhẹ lên gần 8 triệu đơn vị, trị giá 212,8 tỷ đồng (so với 7,5 triệu đơn vị và 206,9 tỷ đồng phiên liền trước).

Thống kê cho thấy, trong tổng số 155 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn Hà Nội, có 126 mã tăng giá, 13 mã giảm giá, 12 mã đứng giá và 4 mã không có giao dịch.

Các cổ phiếu có giá bình quân trong phiên tăng mạnh nhất cả về giá trị tương đối bao gồm: DAC của Gốm xây dựng Đông Anh (tăng trần 2.000 đồng, lên 31.000 đồng); PLC của Hóa Dầu Petrolimex (tăng trần 1.600 đồng, lên 24.700 đồng); THT của Than Hà Tu (tăng trần 1.200 đồng, lên 18.600 đồng); SIC của Đầu tư - Phát triển Sông Đà (tăng 1.100 đồng, lên 17.100 đồng); VTV của Vật tư Vận tải Xi măng (tăng 1.000 đồng, lên 15.500 đồng).

Các cổ phiếu có giá bình quân trong phiên giảm mạnh nhất cả về giá trị tương đối bao gồm: VBH của Điện tử Bình Hòa và PSC của Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Sài Gòn cùng giảm 1.000 đồng, xuống tương ứng 15.100 đồng/cp và 19.500 đồng/cp; LBE của Sách và Thiết bị Trường học Long An và CIC của Đầu tư và Xây dựng Cotec cùng giảm 600 đồng, xuống tương ứng 10.300 đồng/cp và 10.200 đồng/cp.

Cổ phiếu lớn ACB của Ngân hàng Á châu tăng 1.800 đồng (4,38%), lên 42.900 đồng/cp; KBC của Phát triển đô thị Kinh Bắc tăng 500 đồng (1,14%), lên 44.200 đồng/cp.

Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu KLS của Chứng khoán Kim Long đứng đầu với 1,45 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp theo là ACB của Ngân hàng Á Châu (1 triệu); PVI của Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (0,42 triệu); BVS của Chứng khoán Bảo Việt (0,42 triệu); VCG của Tổng công ty Vinaconex (0,39 triệu).

(Theo VietnamNet)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân