Tuesday, November 18, 2008

Thị trường ảm đạm, đa số cổ phiếu quay đầu giảm giá

Liên tiếp đón nhận các thông tin về chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh giảm nhưng đa số cổ phiếu trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội không thể tiếp tục tăng giá trong phiên đầu tuần do bóng ma suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn đang khiến các nhà đầu tư thận trọng.

Với quyết định giảm giá xăng dầu thêm 1.000 đồng/lít vào cuối tuần trước, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã hy vọng thị trường chứng khoán trong nước sẽ hồi phục phiên thứ 3 liên tiếp trong phiên giao dịch đầu tuần mới 17/11.

Tuy nhiên, trên thực tế sức cầu cổ phiếu thấp đã không thể thắng được lượng cung do nhiều nhà đầu tư bao gồm cả các tổ chức trong nước và khối các nhà đầu tư ngoại vẫn đang bán ra để điều chỉnh danh mục đầu tư do lo ngại kinh tế thế giới suy thoái.

Trong khi đó, các nhà đầu tư khác cũng chỉ lựa chọn mua vào một số mã cổ phiếu giảm giá nhiều trong thời gian vừa qua hoặc/và có tính ổn định cao như: ANV, FPT, HPG, PVF, REE, SAM, STB…

Trong đợt giao dịch đầu tiên sáng nay, Sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) chứng kiến khối lượng giao dịch thành công tụt giảm xuống mức rất thấp là gần 1,6 triệu đơn vị, trị giá vỏn vẹn 37,7 tỷ đồng.

“Sức cầu xuống quá thấp, lệnh đặt mua rất ít và hầu hết với khối lượng nhỏ. Các nhà đầu tư đang rất thận trọng đối với thị trường”, anh Hoàng Giang, một nhà đầu tư có mặt trên sàn chứng khoán SeABank sáng nay nói.

“Sức cầu thấp ngay cả trong bối cảnh thị trường đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ như xăng dầu giảm giá, lãi suất ngân hàng liên tục đi xuống, Ngân hàng Sacombank sẽ mua lại 25 triệu cổ phiếu bắt đầu từ ngày mai 18/11. Đây là một tín hiệu khá xấu”, anh Giang nói.

Lý giải về sức cầu giảm mạnh, một nhà đầu tư có kinh nghiệm cho biết là do các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư tổ chức trong nước vẫn đang bán ra ròng cổ phiếu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Tính trong cả tuần trước, các nhà đầu tư ngoại đã bán ròng gần 8 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 312 tỷ đồng.

Trả lời VietNamNet về hiện tượng khối các nhà đầu tư ngoại bán ròng cổ phiếu trong vài tháng qua, ông Kevin Snowball, người đồng sáng lập ra quỹ PXP Vietnam, nhận định phần lớn là bắt nguồn tư các quỹ phòng hộ “hedge funds”.

“Các quỹ phòng hộ buộc phải bán ra để bảo đảm an toàn (và không chỉ ở Việt Nam, họ đang bán mọi thứ!); đó không phải là một lời phán quyết đối với Việt Nam nói riêng, mà chủ yếu là phản ánh cuộc khủng hoảng tài chính toán cầu”, ông Kevin cho biết.

Trên thế giới, sau Mỹ và châu Âu, sáng nay (17/11) Nhật Bản và Hồng Kông đã chính thức công bố nền kinh tế rơi vào suy thoái. Trong quý III/2008, tăng trưởng kinh tế Nhật, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã suy giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu sự suy thoái đầu tiên kể từ năm 2001.

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 17/11, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) giảm 7,02 điểm (tương đương giảm 1,99%) xuống 345,05 điểm.

Trong tổng số 165 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 37 mã tăng giá, 114 mã giảm giá và 18 mã đứng giá.

Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 17/11 đạt 8,9 triệu đơn vị, trị giá 224,6 tỷ đồng (so với 13,5 triệu đơn vị và 380,8 tỷ đồng trong phiên liền trước).

Trong số 10 cổ phiếu có mức vốn hoá thị trường lớn nhất sàn HOSE, sáng nay chỉ có VIC của Vincom đứng giá ở mức 78.000 đồng/cp, còn lại đều giảm giá với FPT giảm mạnh nhất với 2.000 đồng xuống 58.000 đồng/cp; DPM của Đạm Phú Mỹ theo sau với 1.100 đồng xuống 41.000 đồng/cp; VNM của Vinamilk và VPL của Vinpearl cùng giảm 1.500 đồng xuống tương ứng 85.000 đồng/cp và 97.000 đồng/cp.

Cổ phiếu tăng mạnh nhất là DHG của Dược Hậu Giang với 2.000 đồng lên 118.000 đồng/cp, tiếp theo là SGH của Saigon Hotel với 1.500 đồng lên 81.500 đồng/cp.

Các cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Sacombank (1,71 triệu đơn vị); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (0,83 triệu đơn vị); REE (0,33 triệu đơn vị) và PVF của PetroVietnam Finance (0,32 triệu đơn vị).

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HASTC-Index sáng 17/11 giảm 2,72 điểm (tương đương giảm 2,41%) xuống 110,35 điểm.

Khối lượng giao dịch thành công giảm mạnh xuống 4,7 triệu đơn vị, trị giá 130,8 tỷ đồng (so với 8 triệu đơn vị và 212,8 tỷ đồng phiên liền trước).

Thống kê cho thấy, trong tổng số 156 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn Hà Nội (thêm cổ phiếu SSM của Chế tạo kết cấu thép Vneco với 2,75 triệu cổ phần lên sàn ngày 17/11), có 29 mã tăng giá, 112 mã giảm giá, 6 mã đứng giá và 9 mã không có giao dịch.

Cổ phiếu lớn ACB của Ngân hàng Á châu giảm 600 đồng xuống 42.300 đồng/cp; KBC của Phát triển đô thị Kinh Bắc giảm 1.900 đồng xuống 42.300 đồng/cp.

Cổ phiếu mới lên sàn SSM đóng cửa ở mức giá trung bình là 13.400 đồng/cp với 35.200 cổ phần được chuyển nhượng.

Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu đứng đầu với 0,66 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp theo là PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (0,44 triệu đơn vị); KLS của Chứng khoán Kim Long (0,42 triệu đơn vị); DBC của Nông sản Bắc Ninh (0,33 triệu đơn vị); VCG của Tổng công ty Vinaconex (0,26 triệu đơn vị).

(Theo VietnamNet)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân