Friday, November 14, 2008

PTSC phát hành cổ phiếu: Cơ hội và rủi ro

Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) vừa có thông báo chào bán ra công chúng 75 triệu cổ phiếu, trong đó bán cho cổ đông hiện hữu 70 triệu cổ phiếu và bán cho người lao động trong công ty 5 triệu cổ phiếu.

Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư nhưng cũng không kém phần rủi ro khi mua cổ phiếu của PTSC, có mã PVS trên sàn Hà Nội.

Những cơ hội

Hiện PTSC có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Hai cổ đông sáng lập đồng thời nắm giữ trên 5% cổ phiếu của PTSC là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí.

PTSC có khả năng cung cấp nhiều các sản phẩm dịch vụ chủ chốt trong ngành công nghiệp dầu khí và là công ty đầu tiên của Việt Nam triển khai thành công việc xuất khẩu dịch vụ dầu khí ra nước ngoài. Hiện PTSC đã thành lập 2 liên doanh tại Malaysia và cung cấp tàu chuyên dụng, nhân lực tại Bờ Biển Ngà.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhưng 10 tháng qua, PTSC vẫn đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt nhất kể từ khi thành lập đến nay.

Giữa tháng 9 và cuối tháng 10/2008, PTSC đã ký hai hợp đồng quan trọng: đó là thỏa thuận hợp tác toàn diện và hợp đồng cung cấp dịch vụ tàu trị giá khoảng 20 triệu USD giữa PTSC và Công ty điều hành chung Thăng Long, đặc biệt hai bên sẽ hợp tác phát triển mỏ Hải Sư Trắng và Hải Sư Đen Lô 15-2/01 ngoài khơi Việt Nam.

Hợp đồng thứ hai là hợp đồng cung cấp dịch vụ tàu với Công ty điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC - công ty liên doanh điều hành được giao nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí).

Theo Hợp đồng đã ký, PTSC cung cấp 4 tàu phục vụ khai thác, sản xuất cho Cửu Long JOC tại lô dầu khí 15-1, hợp đồng có thời hạn trong vòng 2 năm với tổng giá trị hợp đồng lên tới 60 triệu USD. Với các hợp đồng này, PTSC sẽ đảm bảo được một nguồn doanh thu ổn định trong vòng 2 năm tới.

Rủi ro đối với nhà đầu tư

Rủi ro lớn nhất đối với PTSC là giá dầu mỏ đang giảm mạnh và có thể sẽ còn tiếp tục giảm do suy thoái kinh tế đang lan rộng trên toàn cầu.

Điều này làm giảm các hoạt động thăm dò, khai thác và phát triển mỏ của các nhà thầu dầu khí, do đó hoạt động cung cứng dịch vụ của PTSC cũng bị ảnh hưởng.

Việc PTSC đang mở rộng cung cấp dịch vụ cho các đối tác nước ngoài để tăng thu ngoại tệ sẽ gặp rủi ro về tỷ giá ngoại tệ. Khi tỷ giá giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ trên thị trường giảm (VND tăng giá), doanh thu từ xuất khẩu dịch vụ của PTSC sẽ giảm và kéo theo lợi nhuận cũng sẽ giảm.

Trong quá trình hoạt động tàu, chế tạo, đóng mới, bảo dưỡng các công trình dầu khí trên biển, rủi ro về tai nạn là khó tránh khỏi đối với PTSC. Trong những năm tới, PTSC triển khai đầu tư nhiều dự án quy mô lớn, trong khi khả năng tài chính còn hạn hẹp, do đó có thể gặp rủi ro như lãi suất vay vốn tăng cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài, lạm phát, đối tác thi công chậm trễ, rắc rối, phức tạp trong khâu giải quyết thủ tục của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiện PTSC nắm quyền kiểm soát 14 công ty với địa chỉ trải rộng trên cả nước với tổng số vốn đầu tư vào 14 công ty này lện tới 656 tỷ đồng. Đây cũng có thể là rủi ro nếu các công ty con không được quản trị tốt, thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật cao và kinh doanh kém hiệu quả.

Rủi ro không kém phần quan trọng là không thành công trong đợt chào bán, nhất là trong bối cảnh nguồn cung cổ phiếu đang tăng mạnh trong hai tháng cuối năm, thị trường chứng khoán đang xuống dốc và tâm lý các nhà đầu tư không ổn định.

Việc PTSC phát hành thêm số lượng cổ phiếu tăng gần gấp đôi (pha loãng cổ phiếu rất mạnh) so với hiện tại sẽ làm cho EPS (thu nhập trên cổ phần) sụt giảm, hơn nữa, việc bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và người lao đông trong công ty với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) sẽ làm cho giá cổ phiếu của PTSC sau khi phát hành thêm sẽ bị điều chỉnh giảm xuống theo quy định.

(Theo VnEconomy)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân