Monday, November 17, 2008

Niêm yết ở nước ngoài: Mông lung... hướng dẫn

Chi phí các doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn ngoại bỏ ra tính từ khi xin niêm yết cho tới khi cổ phiếu chào sàn khoảng 2 triệu USD.

Đầu tháng 11, Vinamilk đã nhận được thư chấp thuận niêm yết có điều kiện từ Sở GDCK Singapore (SGX) về việc phát hành và niêm yết khoảng 8,7 triệu cổ phiếu phổ thông mới của Công ty trên sàn giao dịch chính của SGX.

Ngoài Vinamilk, khoảng 5 - 6 DN khác của Việt Nam cũng đang có kế hoạch niêm yết tại sàn ngoại. Song điều đáng nói là nhu cầu của DN có từ 2 năm nay nhưng đến thời điểm này, một khung khổ pháp lý hướng dẫn cụ thể vẫn chưa có, mắc ở đâu DN lại phải hỏi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và được hứa hẹn… chờ.

Thị trường thế giới hiện có nhiều biến động khó dự đoán, vì thế dù đã nhận được chấp thuận nguyên tắc Vinamilk vẫn để ngỏ thời điểm thực hiện việc phát hành thêm và niêm yết cổ phiếu trên SGX, chờ đến khi thuận lợi hơn.

Một DN đang niêm yết trên HOSE là ITA cũng đã chuẩn bị xong đến 90% thủ tục để xin niêm yết cổ phiếu trên SGX.

Bà Đặng Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT ITA cho hay, ở thời điểm này việc phát hành thêm cổ phiếu là không có lợi cho cổ đông hiện hữu, vì thế ITA đã có văn bản đề nghị UBCK cho phép niêm yết 25% cổ phiếu (do cổ đông chiến lược nắm giữ hiện chưa được giao dịch) trên SGX.

Nếu được chấp thuận, HĐQT ITA sẽ ra Nghị quyết cho phép giao dịch số cổ phiếu trên trước thời hạn. "Niêm yết cổ phiếu trên sàn nước ngoài có thể không thuận lợi vào thời điểm này, song điều quan trọng là DN sẽ tiếp cận được thông lệ quản trị tiên tiến, kinh doanh một cách chuyên nghiệp. Đó là điều chúng tôi cần nhất", bà Yến nói.

Với Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam), niêm yết trên sàn ngoại là cách khơi thông thêm một kênh huy động vốn mới. Ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó tổng giám đốc Petro Vietnam cho biết, Tập đoàn đã có quyết định niêm yết cổ phiếu của 4 DN thành viên hàng đầu gồm PVFC, PVI, PVD và PTSC. Có thể giờ chưa thuận lợi, nhưng Petro Vietnam đang yêu cầu các DN thành viên chuẩn bị sẵn sàng để khi thích hợp không lỡ mất cơ hội.

Nhu cầu niêm yết trên sàn nước ngoài của DN Việt Nam là có, chi phí họ bỏ ra tính từ khi xin niêm yết cho tới khi cổ phiếu chào sàn sơ sơ khoảng 2 triệu USD cũng không phải khoản tiền nhỏ. Tuy nhiên, dù nhu cầu ấy đã được nêu ra từ 2 năm trước, tại cuộc hội thảo niêm yết trên sàn nước ngoài do Báo Thế giới Việt Nam phối hợp với UBCK tổ chức ngày 12/11, nhiều băn khoăn, vướng mắc của DN vẫn chưa được giải đáp do thiếu văn bản hướng dẫn luật.

Ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc CTCK Sacombank nêu một vấn đề khó mà công ty ông gặp phải khi tư vấn cho một số DN Việt Nam có nhu cầu niêm yết tại SGX. Thông thường, ở Việt Nam, DN niêm yết đều đưa cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng cho thống nhất, tuy nhiên tại Singapore, tùy theo nhóm cổ đông mục tiêu, DN có thể phát hành cổ phiếu và niêm yết với những mệnh giá lớn nhỏ khác nhau. Luật Việt Nam quy định, mọi cổ đông có quyền bình đẳng như nhau, vậy giải quyết thực tế vênh nhau này ra sao?

Đề nghị được niêm yết số cổ phiếu dạng đặc biệt của ITA một lần nữa cũng được nhắc lại với Chủ tịch UBCK Vũ Bằng. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp ông Bằng đều "nợ" một câu trả lời cụ thể và hứa sẽ nghiên cứu bổ sung cho thông tư hướng dẫn đang được soạn thảo.

Một câu hỏi nữa được đại diện Petro Vietnam nêu ra là liệu DN vừa niêm yết trên sàn HOSE vừa niêm yết tại SGX, cổ đông có thể mua - bán cổ phiếu trên cả hai sàn và nhận quyền lợi như cổ tức, cổ phiếu thưởng như nhau? Rồi DN sẽ được mua ngoại tệ như thế nào để chi trả cổ tức cho cổ đông nước ngoài, nhất là ở những thời điểm cung - cầu ngoại tệ có biến động…

Một vấn đề kỹ thuật nữa DN cần hướng dẫn là sự khác biệt về chuẩn kế toán quốc tế (IAS) và chuẩn kế toán Việt Nam (VAS). Cụ thể, khác biệt lớn nhất, theo IAS, giá trị tài sản được ghi nhận theo giá trị thị trường, trong khi theo VAS, giá trị tài sản lại ghi nhận theo nguyên tắc giá gốc.

"Việt Nam gần như chưa có các văn bản pháp lý và tiêu chuẩn niêm yết nước ngoài, quy định về các loại giấy phép, chính sách kiểm soát ngoại hối - chuyển ngoại tệ ra vào khi phát hành cổ phiếu hoặc chi trả cổ tức, quy định về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện UBCK đang phối hợp với NHNN hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn cụ thể những vấn đề này", ông Bằng nói.

Không phải DN nào cũng có khả năng và có lợi khi niêm yết ở nước ngoài, song nếu như những DN đi trước thành công, tạo được hình ảnh, vị thế thương hiệu trên thị trường quốc tế, khai thông thêm dòng vốn ở những thị trường mới, nhà đầu tư nước ngoài rất có thể sẽ nhìn nhận DN Việt Nam tốt hơn, quan tâm hơn tới TTCK Việt Nam, từ đó không loại trừ Việt Nam sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mới.

Trong khi các sở giao dịch chứng khoán nước ngoài nhiệt tình, sốt sắng đến Việt Nam "tiếp thị", DN Việt Nam nắm những quy định của họ kỹ càng chẳng khác gì quy định của HOSE, HASTC thì điều DN cần nhất lúc này là một văn bản hướng dẫn chi tiết ở tầm cao hơn để họ đỡ phải mày mò chạy tới, chạy lui khi có kế hoạch hướng ngoại.

(Theo ĐTCK)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân