Thursday, November 13, 2008

Giá trị thị trường Việt Nam

Tại hội thảo "Đầu tư quốc tế tại Việt Nam" do Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế phối hợp với Công ty VinaCapital tổ chức tại TP.HCM hôm qua 11.11, với câu hỏi "Vị trí của Việt Nam ở đâu so với các nước trong khu vực tại thời điểm này?", ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu cho rằng, Việt Nam đã và đang "cân bằng" giá trị thị trường của mình so với các nước trong khu vực Châu Á. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc hấp dẫn các nguồn vốn trên thế giới đổ về Việt Nam.

Trên thực tế, từ trước tới nay, điểm yếu của môi trường đầu tư tại Việt Nam là giá trị thị trường luôn ở mức cao hơn từ 20% - 30% so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, mức chênh lệch này đã được thu hẹp lại trong năm 2008. Một số chỉ số định giá hiện nay của Việt Nam đã tương đương với các thị trường khác. Cụ thể như: chỉ số P/E (thị giá cổ phiếu/thu nhập) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là 10,5 lần; Ấn Độ là 9,9 lần, Trung Quốc 7,4 lần; Philippines 9,7 lần, Đài Loan 7,7 lần; Indonesia 7,3 lần... Chỉ số P/B (giá cổ phiếu/giá trị sổ sách của một cổ phiếu) của Việt Nam tương đối thấp do lợi nhuận giữ lại của các công ty sau cổ phần hóa giá thấp. Cụ thể, P/B của VN là 1,8; khá tương đồng với các nước trong khu vực châu Á như Ấn Độ là 2,0; Indonesia 1,9; Trung Quốc 1,3...

Với khoảng cách được rút ngắn, cộng với sự ổn định và sức hấp dẫn của một thị trường mới, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Nhưng ông Alain Cany cũng cho rằng, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể giảm từ 10% - 15% trong năm 2009 do giá dầu trên thế giới giảm. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay có mức giá rẻ, có khả năng sẽ không bị ảnh hưởng mạnh, có thể sẽ thay thế những mặt hàng xuất khẩu giá cao hơn của khu vực Đông Nam Á.

Vấn đề quan trọng khác cũng được quan tâm tại hội thảo, đó là quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như thế nào để đạt hiệu quả cao và bền vững. Có thể nói, năm 2008 là năm thu hút vốn FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2008, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 60 tỉ USD, gấp gần 3 lần tổng vốn FDI của năm 2007. Nguồn vốn FDI năm nay còn có sự chuyển biến tích cực về chất. Cụ thể, quy mô vốn đầu tư trung bình cho một dự án đã tăng mạnh và đạt mức cao nhất từ trước tới nay với khoảng 68 triệu USD/dự án. Đặc biệt, dòng vốn này đã chảy vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như công nghiệp lọc dầu, luyện kim, bất động sản, cảng biển, khu công nghệ cao...

Tuy nhiên, việc tăng trưởng quá mạnh mẽ của dòng vốn FDI đang đặt ra nhiều thách thức trong quản lý dòng vốn này. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những hạn chế trong công tác quản lý FDI đã dẫn đến nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, sử dụng đất không hiệu quả, cấp phép đầu tư ồ ạt gây phá vỡ quy hoạch trong các ngành công nghiệp trọng yếu... Vì vậy, thách thức đặt ra hiện nay là quản lý nhà nước phải tăng cường công tác quy hoạch, chọn lọc đầu tư cũng như theo dõi, quản lý hoạt động FDI sau cấp phép. Làm sao để bảo đảm hoạt động bền vững của dòng vốn FDI cũng như thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này, giảm khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện. Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, 10 tháng đầu năm, vốn thực hiện FDI khoảng 9,1 tỉ USD, tăng 13% so với năm 2007. Dự kiến cả năm 2008, vốn FDI thực hiện sẽ đạt 12 tỉ USD.

(Theo ThanhNien)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân